Đắk Nông là một trong 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên có diện tích tự nhiên 651.561,5 ha, tài nguyên rừng tương đối phong phú và đa dạng về các hệ sinh thái và động - thực vật. Ngoài giá trị kinh tế, rừng Đắk Nông còn có chức năng phòng hộ, bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn cho toàn bộ hệ thống canh tác nông nghiệp, phòng hộ biên giới, hệ thống sông Đồng Nai, Sêrêkop.... Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương quan tâm đầu tư nên đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhận thức về rừng của toàn xã hội được nâng lên, quan điểm đổi mới xã hội hoá về bảo vệ và phát triển rừng được triển khai thực hiện bước đầu có hiệu quả; hệ thống pháp luật về quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản ngày càng hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn và chủ trương đổi mới quản lý hiện nay; chế độ chính sách lâm nghiệp, nhất là chính sách về đa dạng hoá các thành phần kinh tế trong lâm nghiệp, giao rừng, cho thuê rừng, bảo tồn thiên nhiên được ban hành đang đi vào cuộc sống.
Thực hiện Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, quy hoạch ba loại rừng và Công văn số 334/BNN-LN ngày 15 tháng 02 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và PTNT gửi Uỷ ban Nhân dân các tỉnh về kế hoạch rà soát ba loại rừng, Năm 2006-2007, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì phối hợp với các địa phương, ban ngành có liên quan trong tỉnh và đơn vị tư vấn tiến hành quy hoạch ba loại rừng trên địa bàn tỉnh kết quả được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 702/QĐ-UBND ngày 04 tháng 6 năm 2007. Theo Quyết định, diện tích đất quy hoạch cho Lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông là 391.600 ha trên tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 651.561,5 ha, chiếm 60,1%. Nhưng tại thời điểm đó, việc rà soát được kế thừa trên nền bản đồ hiện trạng tài nguyên rừng cũ không còn phù hợp với thực tế, cho nên kết quả còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, do sự phát triển của kinh tế xã hội kéo theo một loạt những thay đổi: dân số tăng, diện tích cây công nghiệp tăng, phát triển thủy điện... đã làm thay đổi cơ cấu, tỷ trọng giữa ngành lâm nghiệp với các ngành khác và dẫn đến diện tích đất Lâm nghiệp bị thu hẹp dần làm cho quy hoạch 3 loại rừng theo quyết định 702/QĐ-UBND không còn phù hợp với thực tiễn sản xuất Lâm nghiệp.
Trước thực tế đó, ngày 25 tháng 4 năm 2012 UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành công văn số 1497/UBND-NN về việc “Rà soát điều chỉnh đất lâm nghiệp và quy hoạch ba loại rừng” trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả rà soát quy hoạch lại được công bố tại Quyết định số 2024/QĐ-UBND ngày 02 tháng 12 năm 2013. Theo đó, diện tích đất quy hoạch cho Lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông là 319.515,65 ha chiếm 49,10% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh.
Năm 2013-2014, tỉnh Đắk Nông thực hiện dự án Điều tra, kiểm kê rừng. Kết quả được UBND tỉnh công bố tại Quyết định 67/QĐ-UBND ngày 14 tháng 1 năm 2015. So sánh hiện trạng tại quyết định 67 với hiện trạng rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng tại quyết định 2024 thấy vẫn còn có nhiều bất cập. Để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Lâm nghiệp góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh thì việc điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng hợp lý và phù hợp với quy hoạch về đất đai của ngành tài nguyên môi trường trên nền hiện trạng theo kết quả kiểm kê rừng là vấn đề cần phải triển khai ngay làm nền tảng cho quy hoạch BV&PTR các cấp nhằm quản lý, sử dụng và phát triển rừng một cách có hiệu quả, ổn định và bền vững.
Xuất phát từ lý do trên UBND tỉnh Đắk Nông đã ra Thông báo số 45/TB-UBND ngày 05/6/2014; Thông báo số 104/TB-UBND ngày 14/10/2014; Quyết định số 311/QĐ-UBND ngày 06/3/2015 về nội dung rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch 03 loại rừng nhằm xác định lại cơ cấu đất lâm nghiệp, đất ngoài lâm nghiệp; Xác định lại quy mô diện tích 03 loại rừng phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi địa phương... Nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới Công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh (thực hiện theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ), lập quy hoạch, kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tỉnh giai đoạn 2015-2020, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương ổn định, lâu dài, bền vững.
Tác giả: Phạm Văn Duẩn
Nguồn tin: Viện Sinh Thái rừng và môi trường
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Trụ sở làm việc: 1 tòa nhà làm việc (20 phòng) với tổng diện tích sử dụng 2.000m2 - Có 1 Trung tâm nghiên cứu bảo tồn động, thực vật hoang dã: Diện tích 20.000m2 - Phòng thí...
Hình ảnh Khóa tập huấn kỹ thuật theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp